0919.843.873 TP Rạch Giá
0914.393 555 TP Hồ Chí Minh
Bí quyết kiếm tiền, tiêu tiền ở Châu Âu của cựu du học sinh
10/12/2019 | Kiến thức du học
Trong “Ngày hội Giáo dục châu Âu” diễn ra tại Hà Nội mới đây, sinh viên Việt Nam đã có cơ hội lắng nghe những câu chuyện làm thêm nhiều việc, từ dọn vệ sinh, rửa bát cho tới bán hàng, gia sư, hướng dẫn viên, phiên dịch viên, thực tập tại các công ty quốc tế,… để kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt phí đắt đỏ của các cựu sinh viên xuất sắc.
“Bí kíp” kiếm tiền
Học bổng là một cách để du học châu Âu nhưng làm thêm cũng là một nguồn tốt nếu sinh viên muốn thêm thu nhập cá nhân.
Tại sự kiện, các cựu sinh chia sẻ những công việc họ đã trải qua trong quãng thời gian du học như: hướng dẫn viên du lịch cho đoàn Việt Nam, phiên dịch viên, bán hàng, thực tập tại các công ty quốc tế, làm bồi bàn… Hơn nữa, kiếm tiền ở châu Âu không vất vả khi du học sinh sáng tạo và chịu khó.
Anh Nguyễn Thăng Long (cựu sinh Italia, hiện đang giảng dạy tại Đại học Kiến trúc Hà Nội) nói: “Năm nay, châu Âu đã chính thức cho sinh viên đi làm thêm 15 giờ/ tuần.
Theo tôi, công việc hướng dẫn viên du lịch là một công việc phù hợp. Nó vừa giúp trang trải cuộc sống vừa cho chúng ta trải nghiệm những địa danh tuyệt vời”.
Anh Trịnh Xuân Tuân từng du học ngành Trí tuệ nhân tạo tại Thụy Điển cho biết, những công việc “chân tay” tại đây không nhiều nhưng làm freelance (công việc tự do) nhất là trong ngành công nghệ thông tin khá nhiều.
Du học sinh nên thực tập tại các công ty của Thụy Điển vì nếu họ thấy bạn làm tốt thì họ có thể nhận làm và cho định cư ngay.
“Bí kíp” dùng tiền
Với môi trường hoàn toàn mới và cách xa gia đình, thậm chí hàng ngàn cây số thì việc du học sinh tự lo được cho bản thân là điều cần thiết nhất. Nếu không chú ý, các bạn có thể sẽ trải qua cảm giác “rỗng túi” cả tháng liền.
“Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, người Việt Nam tại nước ngoài cũng là một công việc đang trở nên phổ biến ở Ireland. Họ rất thân thiện và họ rất thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Toàn bộ số tiền tôi kiếm được khi đó đã đem đi ủng hộ cho quỹ “Cơm có thịt” tại Việt Nam. Điều đó cho thấy ai ai cũng có thể đóng góp cho đất nước dù đang sinh sống ở Việt Nam hay không”, chị Nguyễn Thái Thanh (cựu sinh Ireland) chia sẻ.
Chị Nguyễn Minh Châu (cựu sinh viên Bồ Đào Nha) nói: “Bạn nên lên danh sách những khoản chi cần thiết và phân bổ thu nhập cho từng khoản mỗi tuần. Với du học sinh, các khoản chính phải kể đến thường là:
- Khoản bắt buộc phải chi: tiền thuê nhà, điện nước, học phí, ăn uống, đi lại, bảo hiểm..
- Khoản lựa chọn chi: mua sắm, giải trí, tiệc tùng, thể thao...
- Quỹ dự phòng: đề phòng cho những khoản phải chi bất ngờ, ốm đau, trợ cấp của bố mẹ đến muộn...
Hãy chia số tiền bạn có cho từng khoản để biết giới hạn bạn có thể chi là bao nhiêu. Bạn nên cộng thêm 10% giá trị số tiền để làm phí phát sinh.
Ngoài ra, du học sinh nên tận dụng những chính sách giảm giá dành cho sinh viên quốc tế và chờ những đợt giảm giá để mua sắm hoặc mua hàng online”.
Nhưng các bạn sinh viên cũng không nên chỉ lao vào làm việc mà bỏ qua những trải nghiệm đáng quý khi du học tại châu Âu.
Tác giả bài viết: Hồng Vân
Nguồn tin: Dân Trí