Theo “Báo cáo Chỉ số Hạnh phúc” của Liên Hợp Quốc (dựa trên một cuộc khảo sát phân loại hạnh phúc của 155 quốc gia) vào năm 2012, Đan Mạch là một trong 3 đất nước hạnh phúc nhất thế giới.
Đan Mạch từng dẫn đầu danh sách vào các năm 2013, 2016 và suốt 7 năm liền chưa từng rời khỏi Top 3.
Theo nghiên cứu, môn Thấu cảm (Empathy) được đưa vào giảng dạy tại các trường học từ năm 1993 được xem là một trong những yếu tố giúp tạo nên sự hạnh phúc của Đan Mạch.
Trẻ em Đan Mạch được học Thấu cảm như một môn học chính quan trọng. Ảnh: Nordic. |
Học Thấu cảm để trở thành người hạnh phúc
Ở Đan Mạch, mỗi tuần các học sinh trong độ tuổi từ 6-16 có một giờ dành riêng cho môn Thấu cảm. Nó là một phần cơ bản trong chương trình giáo dục quan trọng ngang với các môn khác như Toán, Lịch sử, Văn hay Ngoại ngữ.
Trong lớp, học sinh được hướng dẫn cách nói ra tất cả những vấn đề vướng mắc của bản thân, bất kể nó có phải rắc rối trong hay ngoài phạm vi trường học.
Những vấn đề đó sẽ được giáo viên và những bạn trong lớp cùng tìm hướng giúp đỡ giải quyết, dựa trên cơ sở lắng nghe và thấu hiểu.
Iben Sandahl và Jessica Joelle Alexander - đồng tác giả của một cuốn sách về cách nuôi dạy con trở nên hạnh phúc - đã kể lại những trải nghiệm thực tế về lĩnh vực này.
“Cả lớp được học cách tôn trọng mọi tính cách và cùng nhau tìm kiếm giải pháp. Những vấn đề tâm lý của trẻ đều được thừa nhận, lắng nghe như một vấn đề chung của cộng đồng”, nhà văn, nhà trị liệu tâm lý Iben Sandahl, nói.
Nếu trong tiết học Thấu cảm không ai có vấn đề cần chia sẻ, cả lớp cùng nhau thực hành văn hóa "hygge". |
Nếu giờ học không có vấn đề cần xử lý, cả lớp đơn giản sẽ cùng thư giãn, vui chơi, thực hành văn hóa "hygge".
"Hygge" là khái niệm riêng dùng để biểu đạt ý nghĩa của sự hạnh phúc ở Đan Mạch. Đây cũng được xem là cơ sở để ngành giáo dục nước này xây dựng, phát triển môn Thấu cảm trong trường học.
"Hygge” còn có nghĩa là mang lại ánh sáng, sự ấm áp và tình bạn, tạo ra một bầu không khí chia sẻ, chào đón và thân thiện.
Môn Thấu cảm được chứng minh giúp xây dựng các mối quan hệ, ngăn chặn bắt nạt học đường và tạo nên sự thành công trong công việc.
Thành công không phải là cạnh tranh với người khác
Jessica Alexander, đồng tác giả còn lại của cuốn sách nói trên (được dịch ra 21 thứ tiếng), rút ra nhiều lý do giải thích môn Thấu cảm giúp trẻ em Đan Mạch trở nên thành công, hạnh phúc.
Qua trải nghiệm của mình, bà nhận thấy học sinh ở đây được dạy quan trọng nhất không phải vượt trội so với người khác, mà là có trách nhiệm giúp đỡ những người không có năng khiếu giống nhau.
“Chúng ta chỉ nên cạnh tranh với chính mình chứ không phải chạy đua với người khác” . Quan điểm này là lý do các trường học Đan Mạch không đề ra giải thưởng cũng như danh hiệu cho học sinh xuất sắc trong các môn học ở trường hoặc trong thể thao.
Nhờ môn thấu cảm, người trẻ Đan Mạch trở thành những người hạnh phúc nhất thế giới. Ảnh: Getty. |
Học sinh còn được học nhóm một cách khoa học. Một nhóm thường gồm những em có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau để cùng hỗ trợ, cùng tiến bộ, có khả năng cùng hoàn thành các dự án đa dạng.
Những người trẻ được định hướng không thể thành công nếu chỉ có một mình, việc hỗ trợ người khác sẽ mang đến kết quả tích cực.
Thay vì dạy trẻ chạy đua theo thành tích, người Đan Mạch chú trọng thực hành “văn hóa truyền động lực” để cải thiện, giúp trẻ tự điều chỉnh bản thân.
Trước những thành công của Đan Mạch trong việc đưa Thấu cảm vào dạy học, nhiều quốc gia đang học hỏi để lan tỏa giá trị tốt đẹp của môn này.